image banner
Quản trị xã Nha Bích
KHÁI QUÁT VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI NHA BÍCH (PHẦN 02): NHA BÍCH THỜI KỲ SƠ KHAI VÀ DẤU TÍCH ĐẦU TIÊN CỦA CON NGƯỜI
Lượt xem: 911
Như chúng ta đã biết lịch sử loài người đã trải qua 5 giai đoạn phát triển bao gồm: thời kỳ tiền sử, thời kì cổ đại, thời kì trung đại, thời kì cận đại và thời kỳ hiện đại. Theo các nhà sử học nhận định thì con người được tiến hóa từ vượn người cách đây hàng triệu năm, và tại Việt Nam thì các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của con người qua các vật dụng đồ dùng bằng đá (thời kỳ đồ đá) tại một số vùng núi phía Bắc và Đồng Nai với niên đại cách đây khoảng 800.000 năm. Vậy tại xã Nha Bích con người có mặt từ khi nào?

Xã Nha Bích cũng như các vùng đất khác của khu vực Nam bộ, thời kỳ sơ khai với các khu rừng nguyên sinh dày đặc, hệ thống sông suối và hồ tương đối lớn, chứa đựng những câu chuyện huyền bí về động, thực vật và điều kiện tự nhiên, khí hậu. Chưa có một khảo cổ nào chứng minh con người có mặt tại vùng đất Nha Bích là từ khi nào. Tuy nhiên, theo những người thuộc lớp người khai phá vùng đất Nha Bích và những người sống lâu năm tại vùng đất này cho biết thì, khi người ta khai hoang đất rừng làm rẫy, nhiều người đã nhặt được các hình mẫu bằng đá rất giống với các vật dụng bằng đá mà các nhà khảo cổ học đã công bố và trưng bày. Các vật dụng bằng đá mà người dân nhặt được trong quá trình làm rẫy tại Nha Bích như là: chéc đá (chéc ngắn, chéc dài), lưỡi rìu đá, các vật dụng có hình thù khác…

Các loại vật dụng trên được người dân nhặt được chủ yếu tại các khu vực gần các triền suối Xa Cát, khu vực suối Dôn thuộc ấp 5 và ấp 3 ngày nay. Do người dân không biết đây là các vật dụng có yếu tố lịch sử nên chỉ nhặt xem rồi vứt đi chứ không lưu giữ lại.

Theo các nhà khảo cổ học thì nền văn minh ở các vùng trên thế giới có sự khác biệt nhau như: thời đại đồ đồng ở Ấn Độ cách đây khoảng 3300 năm TCN, ở Trung Quốc cách đây khoảng 3000 năm TCN, ở Triều Tiên cách đây khoảng 900 năm TCN, ở Thái Lan và Myanmar cách đây khoảng 2100 năm TCN và tại Việt Nam với những mẫu sơ khai đồ đồng đầu tiên cách đây khoảng 2000 năm TCN. Thời kỳ đồ đồng sơ khai là thời kỳ sau đồ đá.

Tại Việt Nam thì nền văn minh phát triển ở từng vùng cũng có sự khác biệt nhau về thời gian. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng tại vùng đất Nha Bích không có sự tiến triển của các thời kỳ từ đồ đá sang đồ đồng hay từ đồ đồng sang đồ sắt... mà các vật dùng từ đồng hay sắt là do sự du nhập từ nơi khác đến. Chính vì thế mà các vật dụng bằng đá do người dân phát hiện tại Nha Bích có thể có niên đại từ rất lâu, nhưng cũng có thể có niên đại gần hơn.

Tuy nhiên, cho dù niên đại của các vật dụng bằng đá đó là rất lâu, hay gần hơn so với các vùng đất khác, nhưng nó vẫn chứng minh được một điều rằng, vùng đất của Nha Bích ngày nay đã có dấu tích của con người từ rất lâu, có thể cách đây hàng nghìn năm, hoặc ít nhất cũng vài trăm năm, khi mà các nền văn minh về kỹ thuật luyện kim đồ sắt hay đồ đồng vẫn chưa được du nhập đến.

anh tin bai

(Ảnh: Vật dụng bằng đá giống như vậy từng xuất hiện nhiều trên địa bàn Nha Bích)

Ngoài các vật dụng bằng đá, thì người dân còn phát hiện các vật dụng bằng đất nung (giống như gốm) thỉnh thoảng nằm rải rác gần các gốc cây to, cây cổ thụ. Đồng thời, vào những năm 1970 – 1980 thì các vật dụng bằng đồng như nồi đồng, dao bằng đồng, cuốc đồng....với kiểu chế tác rất đơn sơ vẫn được người dân tại địa phương lưu giữ và sử dụng.

anh tin bai

(Ảnh: một trong những vật dụng bằng gốm cũ từng thấy trên địa bàn Nha Bích)

Không có một khảo cổ nào trên địa bàn Nha Bích, nên chúng ta không thể khẳng định rằng các vật dụng bằng đá kia là có từ khi nào. Có thể là chúng đã từng tồn tại cùng với thời kỳ đồ đá như các vùng trên cả nước. Nhưng cũng có thể là của người dân bản địa, do không có được sự du nhập của các nền văn minh khác trên cả nước nên con người tại đây phải tự tạo cho mình các vật dụng để làm đất và trồng trọt do nhu cầu cuộc sống.

Theo “Đại Việt bách khoa toàn thư” và các tài liệu nghiên cứu về lịch sử thì vùng đất phía Nam của nước ta ngày nay mới chỉ được mở rộng từ phong trào Nam tiến, và mở rộng mạnh mẽ nhất kể từ sau khi Trịnh – Nguyễn phân tranh (thế kỷ 17 – 18). Trước khi vùng đất phía nam thuộc về Việt Nam thì vùng đất phía nam rất hoang sơ với các bộ tộc sống rải rác, họ sống bằng nghề săn bắt và hái lượm. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, vùng đất phía Nam của Việt Nam cũng đã sớm chịu ảnh hưởng tích cực của văn hóa Óc Eo của Phù Nam và văn hóa Sa Huỳnh của Chăm Pa từ những thế kỉ đầu sau Công nguyên nên việc phát triển các vật dụng sinh hoạt sau các vật dụng bằng đá hay chế tác các vật dụng bằng gốm hay đất nung có lẽ cũng đã du nhập vào vùng đất Nha Bích từ rất sớm.

Như vậy qua các vật dụng bằng đá mà người dân nhặt được có thể nói rằng vùng đất Nha Bích đã có dấu tích sinh sống của con người từ rất lâu, có thể đã cách đây hàng nghìn năm trước.

(Còn tiếp)

Võ Quốc Hân
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
   


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NHA BÍCH

Địa chỉ : 23 QL14, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Điện thoại: 

Chịu trách nhiệm : UBND xã Nha Bích

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị