image banner
Lâm Thị Tuyết
Nét đẹp văn hóa truyền thống tết cổ truyền “Chôl Chnăm Thmây” của đồng bào Khmer trên địa bàn xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Lượt xem: 284
Xã Nha Bích có tổng diện tích đất tự nhiên là 4.985,73ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 3.636,59 ha (chiếm 72,94 % diện tích toàn xã), diện tích đất trồng cây lâu năm là 3.362,51 ha, phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều. Điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp với trồng trọt và chăn nuôi.

Vị trí địa lý, phía Bắc giáp xã Tân Quan - Minh Thắng, phía Đông giáp Sông Bé, phía Nam giáp xã Minh Thành, phía Tây giáp xã Minh Thành - Minh Hưng. Có Quốc lộ 14 chạy qua, có sông suối đầu nguồn lòng hồ Thủy lợi Phước Hòa cộng với lợi thế về đất đai, vị trí địa lí thuận lợi để phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch…Từ đó đã tạo thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và từng bước hòa nhập vào quá trình phát triển chung của vùng Đông Nam Bộ.

Là một xã nông nghiệp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40% dân số toàn xã, với địa giới hành chính được chia thành 7 ấp. có 4 thành phần tôn giáo chính và 12 dân tộc anh em cùng sinh sống như Kinh, Khmer, S’tiêng, Mường….tập trung chủ yếu tại ấp 4, ấp 5, và ấp 6. Trong đó đồng báo người khmer chiếm 375 hộ/1448 nhân khẩu sống tập trung chủ yếu tại ấp 5, ấp 1, ấp Suối Ngang và ấp 6.

Cũng như đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số khác sinh sống trên địa bàn thị xã chơn thành nói chung và xã Nha Bích nói riêng, họ có rất nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội: Tết Chôl Chnăm Thmây; Lễ hội Sen Đôn Ta và Lễ hội Ok-Om-Bok.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội Mừng Năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer “Chôl” nghĩa là “Vào” “Chnăm Thmây” là “Năm mới”.

Tết được diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch), không cố định ngày, hàng năm đều do các nhà thiên văn bói toán ấn định, tính theo vòng quay trái đất quanh mặt trời trong một năm sẽ định ra được ngày, giờ cụ thể trong năm đó.

anh tin bai
Hình ảnh: Gia đình người đồng bào Khmer chuẩn bị đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn xã trong những ngày tết, chúng ta sẽ bắt gặp không khí náo nhiệt của bà con chuẩn bị Tết cổ truyền của mình. Nào là chuẩn bị ăn mặc gọn đẹp, nhang, đèn, gạo, rượu, thịt, làm bánh…để phục vụ cho việc ăn uống, đãi khách và dâng cho nhà chùa; mọi nhà sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sạch sẽ..để chuẩn bị chào đón năm mới.

Trong đêm giao thừa, trên bàn thờ có bài sẵn 5 nhánh hoa, 5 đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại trái cây. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại , ngồi xếp chân về một phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vài ba cái để tiễn đưa Têvêđa cũ và rước Têvêđa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng Têvêđa là ông tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời gian.

anh tin bai

Hình ảnh: Già làng thực hiện nghi lễ cúng Neak Ta trước thềm năm mới Chôl Chnăm Thmây

Ngày thứ nhất gọi là Thngay Chôl Chnăm Thmây (ngày vào năm mới) (lễ rước “Mâh Sangkran mới”). Lễ này có thể tổ chức sớm hay muộn trong ngày, miễn là chọn đúng giờ tốt, theo quan niệm của người Khơme. Mọi người được tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang nhang đèn, lễ vật đến chùa dâng lên các vị sư và được nghe các vị chúc tụng năm mới. Dưới sự điều hành của ông Acha, mọi người xếp hàng đi vòng quanh chính điện 3 lần để làm lễ chào mừng năm mới. Đêm lại, nghe các vị sư tụng kinh cầu an năm mới, cầu cho “Quốc thái dân an” và hưởng được 4 pháp của đức Phật (sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh), rồi được nghe các vị thuyết pháp về ý nghĩa của lễ Chôl Chnăm Thmây và sau đó thanh niên nam nữ cùng nhau múa hát trước sân chùa.

Ngày thứ hai gọi là Thngay Von-boch: mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi. Theo đạo Phật Tiểu thừa, thì các ngày lễ tín đồ đi chùa lạy Phật có bổn phận mang cơm và thức ăn dâng cho sư sãi và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo, rồi các thanh niên nam nữ vui chơi trước sân chùa. Buổi chiều, người ta làm lễ “đắp núi cát” (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa, để mong gặp được điều lành. Tập tục này cũng bắt nguồn từ một sự tích của một thợ săn bắn gắn với ma thuật cầu mùa của người xưa.

Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơn-săk (ngày thêm tuổi), mới chính là ngày chính cũng là ngày cuối tết, tương tự như hai ngày đầu, sau khi đã dâng cơm sáng cho các vị sư ở chùa, người ta làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm, rồi sau đó tắm cho các vị sư cao niên ở chùa, nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ, để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ và hoàn toàn mới. Tiếp theo đó là lễ cầu siêu (Băng Skôl), các vị sư được mời đến tháp lưu giữ hài cốt của những người quá cố để cầu kinh, mong vong linh của họ sớm được siêu thoát. Đến trưa, mọi người về nhà để làm lễ tắm tượng Phật thờ trong từng gia đình, để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đức Phật, rồi chúc mừng cha mẹ, ông bà, dâng bánh trái để tạ ơn, đồng thời cũng để rửa những điều không may của năm cũ để sang năm mới vạn sự như ý. Tết Chôl Chnăm Thmây được kết thúc.

Trong ba ngày hội Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt. Tối đến, người ta đốt pháo thăng thiên, thả diều, đánh quay lửa... Các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu. Gái, trai tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dùkê, múa romvong.

Không chỉ là tết của người Khmer, cũng là dịp cho người Kinh, Stiêng, Mường…trên địa bàn trong và ngoài xã đến chung vui. Ngày Tết cổ truyền Khmer góp phần giáo dục con người về tấm lòng hiếu thiện, thương yêu, giúp đỡ nhau trong thôn ấp. Là dịp để bà con gặp gỡ nhau chia phúc, thăm hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong tương lai. 

anh tin baiHình ảnh: Thanh niên Khmer cùng nhau đón Tết Chôl Chnăm Thmây

Tết Chôl Chnăm Thmây còn là dịp để đồng bào dân tộc Khmer gửi gắm ước mơ hạnh phúc, ý thức hướng thiện và lòng báo ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mình trong năm.

Một số hình ảnh:

anh tin bai

Hình ảnh: Rước cây như ý 

anh tin bai

Hình ảnh: Trang phục truyền thống của nam nữ Khmer

anh tin bai
anh tin bai

Hình ảnh: Rước cây như ý

anh tin bai

hình ảnh: Thanh niên Khmer múa Rom Vong trong dịp Tết Chôl Chnăm Thmây

 

Tuyết Lâm - VHXH
Tin khác
1 2 3 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
   


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NHA BÍCH

Địa chỉ : 23 QL14, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Điện thoại: 

Chịu trách nhiệm : UBND xã Nha Bích

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị