Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xảy ra
nhiều vụ tai nạn đuối nước gây hậu quả rất thương thân, theo thống kê từ đầu
năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 08 vụ tai nạn đuối nước, làm chết 13 người.
Trong đó, có tới 9 trẻ nhỏ, gần đây nhất là 2 vụ tai nạn đuối nước liên tiếp xảy
ra tại đập nước Tân Hòa, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú ngày 2/9/2024 làm 02 cháu
nhỏ tử vong và vụ đuối nước tại một ao nước sâu khu vực ấp 4, xã Tiến Hưng,
thành phố Đồng Xoài ngày 4/9/2024 làm 1 cháu nhỏ tử vong.
Nguyên nhân của vụ tai nạn đuối nước chủ yếu là do các
cháu không được học bơi, học bơi không đúng cách, không được tuyên truyền, hướng
dẫn các nguy cơ đuối nước, việc quản lý, giám sát của cha mẹ, người lớn đối với
trẻ nhỏ chưa đảm bảo an toàn…Để chủ động phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất
các vụ tai nạn đuối nước, đặc biệt là mùa mưa lũ trong thời gian tới, công an tỉnh
Bình Phước khuyến cáo người dân cần thực hiện một số biện pháp như sau:
1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng
phòng ngừa tai nạn đuối nước cho người thân trong gia đình, đặc biệt là đối tượng
trẻ em. Giáo dục cho trẻ em các hiểm họa tai nạn đuối nước có thể xảy ra trong
mùa mưa lũ như:
- Giáo dục cho trẻ tránh xa những nơi nước sâu, nước
chảy xiết, không đi tắm ao hồ, sông suối…không nên đi lại, chơi gần những nơi
như: ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng…không
có nắp đậy và các hồ ao sâu gây nguy hiểm cho trẻ như hố lấy đất, lấy cát, lấy
nước tưới cây…
- Trẻ em khi đi tắm sông, hồ và khi tham gia các loại
hình giao thông đường thủy phải mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn giám
sát, trông coi.
- Nên cho trẻ làm quen với nước và tập bơi đúng cách để
tránh đuối nước khi gặp tình huống; giáo dục các kỹ năng giải quyết các tình huống
nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho trẻ hiểu sự
nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông suối khi không có sự canh chừng của người
lớn.
2. Ở mỗi gia đình, cơ quan, tổ chức cần thực hiện việc
xây dựng, lắp đặt rào chắn (ao, hồ đào trữ nước tưới…), cắm biển cảnh báo nguy
hiểm tại các sông, suối, hồ, đập và các khu vực nước sâu nguy hiểm để người dân
biết, phòng tránh, ngăn chặn người dân, nhất là trẻ em đến tắm.
3. Người dân không nên bơi lội qua sông, suối, ao hồ và
không vớt củi, đánh bắt cá khi nước lũ về; không ở lại nương rẫy, vùng có nguy
cơ lũ quét khi có dự báo mua, lũ xảy ra; không tắm ở các ao hồ, sông suối khi
có mưa lũ…
4. Mọi người dân cần thường xuyên tìm hiểu, trao đổi kiến
thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để kịp thời áp dụng khi xảy ra trường hợp đuối
nước.
5. Đề nghị các đơn vị quản lý, khai thác hồ đập, hồ chứa
thủy lợi, thủy điện: Tổ chức kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra đuối
nước, tiến hành cắm biển cảnh báo, lập rào chắn và thực hiện các biện pháp cần
thiết khác để ngăn chặn, phòng ngừa. Thông báo kịp thời việc hành xả lũ cho
nhân dân, chính quyền khu vực công trình và vùng hạ du sau đập để chủ động
phòng, tránh; kiểm tra khu vực hạ du công trình trước khi vận hành xả lũ nhằm hạn
chế các thiệt hại, đặc Biệt là thiệt hại về tính mạng con người. Tăng cường công
tác quản lý, giám sát chặt chẽ; tuyệt đối không cho người dân, đặc biệt là trẻ em
vào khu vực lòng hồ tắm, đánh bắt.
6. Khi cần yêu cầu hỗ trợ trong các tình huống tai nạn, người
dân cần gọi điện thoại số 114 để nhận
được sự giúp đỡ kịp thời từ cơ quan chức năng./.