image banner
VP HĐND - UBND
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN CỦA ĐẢNG - VẬN DỤNG TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG TA VÀ TỈNH BÌNH PHƯỚC HIỆN NAY
Lượt xem: 786
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng tháng tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và ngày quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023) trang thông tin điện tử xã Nha Bích xin gửi đến các bạn đọc giả bài viết TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN CỦA ĐẢNG - VẬN DỤNG TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG TA VÀ TỈNH BÌNH PHƯỚC HIỆN NAY

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ cách mạng vĩ đại mà còn là nhà tư tưởng, nhà lý luận khoa học thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm nhiều nội dung phong phú trong đó có tư tưởng về đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh là nhà đạo đức học mác xít đầu tiên ở Việt Nam và là người khai sinh ra nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng Việt Nam. Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Người mãi mãi là động lực tinh thần để chúng ta học tập, noi theo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, đảng viên,và coi đây là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Người cho rằng một khi đã có đường lối cách mạng đúng thì cán bộ là khâu quyết định “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[1], “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[2].. Thực tế là mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ đều do cán bộ nghiên cứu đề xuất, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn Nhân dân thực hiện. Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới ở nước ta đã bước sang một thời kỳ phát triển mới - đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng đất nước hướng tới mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.. Tình hình nhiệm vụ mới đang đặt ra những yêu cầu mới nặng nề trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhân cách phát triển toàn diện, đầy đủ cả phẩm chất và năng lực, cả đức và tài, trong đó đức là “gốc”.

Tăng cường giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

I. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ ĐẢNG VIÊN CỦA ĐẢNG

1.1. Người cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất đạo đức cách mạng

Tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là đạo đức cách mạng. Chính vì vậy, trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đặc biệt quan tâm đến đạo đức. Theo Người, đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời, đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỉ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng thì phải đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình. Phải hết sức hết lòng phục vụ nhân dân, vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, luôn gương mẫu trong mọi công việc, ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Người khẳng định làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người cán bộ có đạo đức cách mạng thì nghĩ, nói và làm phải thống nhất. Nhân dân thường đánh giá cán bộ thông qua những lời nói và việc làm cụ thể hàng ngày. “Nói một đằng, làm một nẻo” là điều tối kỵ đối với người cán bộ. “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”, người cán bộ một khi đã không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chỉ là người “vô tích sự, không làm nên trò trống gì”. Do vậy, “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[1]

Hệ thống các quan điểm trong tư tưởng của Người về công tác cán bộ là sự kết hợp tinh tế giữa lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, trở thành cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành công tác cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu đặt ra trong từng thời kỳ cách mạng trước đây và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Người cho rằng, cán bộ, đảng viên chỉ có giác ngộ chính trị chưa đủ, mà còn phải 

thấm nhuần, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Người từng viết: “… Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”[1]. Người coi đó là thuộc tính nhất quán trong mọi hoàn cảnh, bởi đã là cán bộ cách mạng thì phải có đạo đức cách mạng. Người cán bộ, đảng viên chân chính phải biết giữ đạo đức cách mạng. Bởi vì, mọi việc thành hay bại là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là gốc của tình trạng suy thoái đạo đức cách mạng, là căn bệnh nguy hiểm nhất phải tập trung chữa trị từ sớm. Người căn dặn các cán bộ của Đảng phải tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân, ví chủ nghĩa cá nhân là một thứ “vi trùng rất độc”, nó là thứ “bệnh mẹ”, do nó mà sinh ra các thứ “bệnh con”, các chứng bệnh nguy hiểm như: bệnh quan liêu, bệnh tham lam, bệnh kiêu ngạo, bệnh lười biếng, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên phải được thường xuyên rèn dũa, giống như “ngọc càng mài càng sáng”, thể hiện rõ trong công tác và trong sinh hoạt thường ngày. Đó là:

Trung với nước, hiếu với dân. Theo đó, người cán bộ, đảng viên phải thể hiện trung thành, tận tụy, cống hiến vì lợi ích của Tổ quốc; phải vì lợi ích của nhân dân, mưu cầu hạn phúc cho nhân dân. Người khuyên cán bộ, đảng viên phải gắn bó với dân, thương dân, lấy trí tuệ ở dân, học hỏi dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định mình là công bộc của dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[2]. Trung với nước, hiếu với dân là hạt nhân cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là tiêu chuẩn đạo đức quan trọng nhất đối với cán bộ, đảng viên.

Có tình thương yêu con người, tình thương đồng bào, đồng chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tình thương yêu con người là một trong những phẩm chất 

đạo đức cao đẹp. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải trở thành những tấm gương có sức cảm hóa, phải luôn yêu thương con người, yêu thương đồng bào, đồng chí mình; phải bao dung, độ lượng, kể cả đối với những người trót lầm đường lạc lối nhằm đánh thức lương tri, đánh thức phần thiện trong con người của họ. Chỉ như thế mới thu phục được quần chúng, dẫn dắt quần chúng, cùng đồng chí mình vượt qua khó khăn và thách thức.

Phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đó là đạo đức, là phẩm chất trung tâm của người cán bộ cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cần - là cần cù, chịu khó; kiệm - là tiết kiệm của công, không lãng phí; liêm - là không tham ô, sống trong sạch; chính - phải luôn ngay thẳng, chính trực; chí công vô tư - là sự rạch ròi giữa việc công và việc tư, phải đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Người nhắc nhở cán bộ: việc tu dưỡng, rèn luyện phải được thực hiện hàng ngày, hàng giờ, trong công tác, sinh hoạt gia đình, xã hội, ở mọi không gian, thời gian và lấy chính bản thân mình làm đối tượng để rèn dũa “giống như rửa mặt hàng ngày”[1].

Phải có tinh thần trách nhiệm trước công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các cán bộ của Đảng, dù ở bất kỳ cương vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có tinh thần trách nhiệm là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, thì cũng đem cả tinh thần và sức lực làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công; luôn nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và làm tròn nhiệm vụ. Trái lại, làm một cách cẩu thả, làm cho xong chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy… là không có tinh thần trách nhiệm; còn bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư, tự lợi là trái hẳn với tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch đều phải lao động cả. Bởi lao động là vẻ vang. Do đó, tình yêu lao động và lao động sáng tạo là một trong những chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng. Điều đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong lao động, đem hết nhiệt tình, trí tuệ làm cho lao động của mình, của tập thể đạt được năng suất và hiệu quả ngày càng cao trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần làm cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc mau đến thành công....

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

3. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 3 Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

4. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

5. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.


Thanh Tú
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0
   


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ NHA BÍCH

Địa chỉ : 23 QL14, xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Điện thoại: 

Chịu trách nhiệm : UBND xã Nha Bích

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị