Ngày 8/8/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ
TT&TT) đã ban hành Công văn số 3240/BTTTT-CĐSQG gửi UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương về thúc đẩy hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại
các địa phương.
Tại Công văn này Bộ TT&TT đã nhấn mạnh việc thực hiện
Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề
án "Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực
thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030", việc tổ chức, duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động
của Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) là một trong những nhiệm vụ then chốt để
nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật cho đội ngũ nhân lực
chuyển đổi số.
Hình ảnh: Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa
1. Mục tiêu trong năm 2024: Mỗi hộ gia đình có ít nhất 01
người thành thạo 05 kỹ năng số cơ bản.
Bộ TT&TT đã đánh giá cao những hoạt động tích cực của Tổ
CNSCĐ trong thời gian qua đã góp phần cải thiện nhận thức và kỹ năng số cơ bản
của người dân, từ đó đạt được những thành quả bước đầu, bền vững trong công cuộc
chuyển đổi số quốc gia nói chung và tại các địa phương nói riêng.
Hình ảnh: Ra quân thực hiện "chiến dịch 4 phủ" tại nhà văn hóa các ấp
Để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực này, Bộ
TT&TT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo
nhằm duy trì, phát huy hiệu quả, đẩy mạnh hoạt động của Tổ CNSCĐ. Đề nghị UBND
cấp tỉnh:
- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở
TT&TT, cơ quan đơn vị liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch đưa các nội
dung kỹ năng số cơ bản vào chương trình học ngoại khóa tại các trường trung học
cơ sở và trung học phổ thông. Các kỹ năng số gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến;
Mua sắm trực tuyến; Thanh toán trực tuyến; Tự bảo vệ mình trên không gian mạng
và Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương. Mục tiêu trong năm
2024: Mỗi hộ gia đình có ít nhất 01 người thành thạo 05 kỹ năng số cơ bản.
- Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan khác đề xuất, triển
khai các mô hình chuyển đổi số tại các thôn, bản, xóm, ấp, khóm, tổ dân phố, cụm
dân cư gắn với 05 nội dung kỹ năng số cơ bản; tổng hợp, phổ biến, chia sẻ các
mô hình, cách làm hay, điển hình, sáng tạo trong hoạt động của Tổ CNSCĐ tại địa
phương mình.
- Tỉnh Đoàn chỉ đạo các tổ chức cơ sở đoàn trực thuộc cử
thành viên tham gia lực lượng nòng cốt trong Tổ CNSCĐ; phát động các phong trào
thi đua trong đoàn viên thanh niên của địa phương tiên phong sử dụng các nền tảng,
ứng dụng công nghệ số, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
- Các doanh nghiệp công nghệ số, các cơ quan, tổ chức xã hội
trên địa bàn tỉnh tích cực cử cán bộ đầu mối thành thạo kỹ năng số tham gia hoạt
động của Tổ CNSCĐ để đẩy mạnh hoạt động của Tổ CNSCĐ theo hướng huy động sự
tham gia của xã hội; các doanh nghiệp công nghệ số, bưu chính, viễn thông trên
địa bàn tỉnh có chính sách ưu đãi giá sản phẩm, dịch vụ số cho thành viên Tổ
CNSCĐ để hỗ trợ, tạo thuận lợi trong hoạt động của Tổ CNSCĐ.
Các địa phương cần thường xuyên tổ chức các lớp, đợt bồi dưỡng,
tập huấn, phổ biến nhằm cập nhật kiến thức, kỹ năng số và an toàn thông tin mạng
cho thành viên các Tổ CNSCĐ. Bồi dưỡng, tập huấn có thể tổ chức thành các đợt,
theo chuyên đề hoặc lồng ghép trong các chiến dịch, ra quân hoạt động của Tổ
CNSCĐ, của địa phương.
2. 5 kỹ năng số cơ bản là gì:
Các kỹ năng số gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Mua sắm
trực tuyến; Thanh toán trực tuyến; Tự bảo vệ mình trên không gian mạng và Sử dụng
nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương
- Sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Theo khoản 5 Điều 3 Nghị
định 42/2022/NĐ-CP thì dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước là dịch vụ
hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các
tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp giảm
thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức,
cá nhân; đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ
phận cán bộ công quyền; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính;
nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của
cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội.
Hình ảnh: Hướng dẫn người dân đăng ký và sử dụng chữ ký số
- Mua sắm trực tuyến (Online shopping) là quá trình người
tiêu dùng trực tiếp mua hàng hóa, dịch vụ từ một người bán trong thời gian xác
định thông qua Internet mà không có một dịch vụ trung gian nào. Mua sắm trực
tuyến cũng là một tiến trình dùng để liệt kê hàng hóa và dịch vụ cùng với hình ảnh
kèm theo được hiển thị từ xa thông qua các phương tiện điện tử. Khi sản phẩm hoặc
dịch vụ được chọn, giao dịch sẽ được thực hiện một cách tự động bằng việc thanh
toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng tiền mặt. Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ
đầu năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã có chuyển biến rõ rệt
từ các mô hình bán hàng truyền thống sang mô hình bán hàng trực tuyến và số lượng
người tiêu dùng tham gia mua sắm ngày càng tăng lên nhanh chóng.
- Thanh toán trực tuyến (còn gọi là thanh toán điện tử) là
hình thức thực hiện các giao dịch ngay trên điện thoại thông minh hoặc máy tính
có kết nối mạng. Với số tiền có sẵn trong tài khoản ngân hàng, quý khách có thể
chuyển tiền, chi trả hóa đơn mua sắm hay hóa đơn điện, nước, truyền hình cáp,
hoặc nạp tiền điện thoại… nhanh chóng mà không cần sử dụng tiền mặt.
- Tự bảo vệ mình trên không gian mạng: Mạng Internet mang lại
nhiều lợi ích và cơ hội lớn cho mọi người, từ cung cấp kiến thức và thông tin,
thiết lập không gian giải trí, tăng cường tương tác xã hội, tạo môi trường chia
sẻ kết nối… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc sử dụng Internet
quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần, hay khả năng gặp nhiều rủi ro
trên môi trường mạng như: bị mất thông tin cá nhân, lừa đảo, bị quấy rối trên mạng,
nghiện game online, xem các ấn phẩm không phù hợp, đối mặt với các thông tin
sai lệch… Do đó, mỗi người dân khi tham gia mạng internet phải tự giới hạn thời
gian sử dụng mạng xã hội, tỉnh táo trước các thông tin chưa được kiểm chứng hoặc
đến từ các trang thông tin không chính thống, cư xử văn minh trên không gian mạng
và quan trọng là phải bảo mật thông tin cá nhân.
- Sử dụng nền tảng số khác như: chữ ký số, định danh điện tử,
bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, VNEID… nhằm phục vụ cho công tác chuyển đổi
số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số với mục tiêu đổi mới toàn diện
hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số
an toàn, nhân văn, rộng khắp.